Đối với những máy có bản quyền Windows 10 đang chạy trên ổ cứng hiện tại như HDD, eMMC (như trên dòng laptop Masstel L133) giờ muốn chuyển sang ổ SSD để tăng tốc độ truy xuất có thể sử dụng phương pháp chuyển hệ điều hành đang chạy sang ổ cứng mới một cách nhanh chóng và không mất dữ liệu.
Hướng dẫn sau đây mình thực hiện trên máy laptop Masstel L133, trong máy đang sử dụng ổ eMMC nằm trên main và mình đã gắn thêm ổ SSD vào khe M2 PCIe SATA3. Đối với các dòng laptop khác chỉ có 1 ổ cứng thì bạn có thể gắn ổ cứng SSD vào box và cắm qua cổng USB để thao tác.
Để chuyển dữ liệu từ ổ cứng eMMC sang SSD mình sử dụng USB boot Win10PE và sử dụng phần mềm có tên là Macrium reflect. Phần mềm này có thể chạy trực tiếp trên Windows nhưng mình khuyến khích nên chạy trên Win mini để không gặp lỗi. Ok, bây giờ bắt tay vào việc nhé.
Trước tiên bạn cần chuẩn bị các công cụ:
- 1 USB dung lượng từ 4GB trở lên
- Bộ ISO Win10PE: Fshare – Google Drive
Tiếp theo là tạo USB chứa bộ Win10PE đó theo hướng dẫn: https://hieuit.net/he-dieu-hanh/tao-usb-boot-win10pe-chuan-uefi-dung-cuu-ho-may-tinh.html
Sau khi tạo xong USB thì khởi động lại máy và bấm tổ hợp phím Fn + F7 để hiện menu lựa chọn thiết bị boot, chọn tên thiết bị là tên USB có dòng UEFI đằng trước.
Sau khi boot được vào Win10PE tiến hành mở phần mềm Macrium reflect
- Chọn vào Backup
- Tích chọn vào ổ eMMC
- Tích chọn hoặc bỏ chọn các phân vùng cần sao chép, mặc định là chọn tất cả.
- Nhấn vào Clone this disk….
Nhấn vào Select a disk to clone to… và chọn vào ổ SSD mới
Lưu ý nếu ổ SSD đang có dữ liệu thì sau khi sao chép tất cả dữ liệu, sau khi clone các phân vùng hiện có sẽ bị xóa sạch.
Nhấn Continue… và nhấn Finish để quá trình sao chép bắt đầu làm việc. Với tốc độ của ổ eMMC và SSD thì quá trình sao chép diễn ra khá nhanh, chỉ tầm 2 phút đổ lại.
Sau khi hoàn thành thì ổ SSD đã có thể sử dụng được ngay, tuy nhiên để máy tính tự động khởi động vào SSD mới thì bạn phải thao tác theo 2 cách.
- Vào BIOS và disable ổ eMMC đi, chỉ để lại ổ SSD
- Vẫn giữ nguyên ổ eMMC, có thể format trắng để chứa dữ liệu.
Mình sẽ hướng dẫn bạn làm theo cách 2 vì tận dụng ổ eMMC để làm ổ chứa dữ liệu.
Vẫn ngay trong màn hình Win10PE chọn vào phần mềm EasyUEFI, sau đó chọn mục Manage EFI Boot Option
- Chọn vào dòng Windows Boot Manager
- Chọn tiếp vào mục Edit như hình (biểu tượng cuốn sổ và chiếc bút)
Tiếp theo bấm dấu tích chọn vào phân vùng đầu tiên (100MB) của ổ SSD và nhấn OK là xong.
Giờ bạn khởi động lại thì mặc định sẽ boot vào ổ SSD.
Có thể kiểm tra trong ổ đĩa
Phân vùng C: hiện tại đang ở trên ổ SSD, ổ eMMC nằm dưới cùng (dung lượng 32GB) bạn có thể format nó để làm ổ chứa dữ liệu.
Mình vừa lấy Masstel L133pro. Ổ Emmc 60gb, đã cắm thêm ssd western digital 256gb. Hiện không dùng Fn F7 để chọn boot bằng usb được. Ấn Esc thì vào được Bios nhưng vào phần Boot thì không thấy chế độ cho Boot từ usb ?
Bạn đã tạo được USB boot chuẩn UEFI chưa? Nếu USB boot không đúng thì laptop không nhận thấy USB được.
Tôi đã thực hiện như trên, nhưng sao không khởi động được từ dĩa SSD
Khi khởi động bạn nhấn Fn+F7 và chọn vào phân vùng boot của ổ SSD thử xem. Nếu vẫn không được thì bạn vào lại WinPE mở lại phần mềm Macrium reflect và chọn tab Restore chọn vào Fix windows boot problem, sau đó chọn ổ Windows trên SSD để phần mềm tạo lại boot cho đúng