Với slogan “Just enough OS for KODI” LibreELEC chỉ có nhiệm vụ duy nhất là khởi tạo môi trường để chạy mỗi ứng dụng KODI, biến thiết bị của bạn thành một Home theatre thực thụ. LibreELEC là một hệ điều hành mã nguồn mở dựa trên nhân Linux và được tùy biến loại bỏ tất cả chức năng không cần thiết và đủ dùng để có thể hoạt động KODI một cách trơn tru nhất, ưu điểm nổi bật nhất là chiếm rất ít tài nguyên (nhất là Ram) nên LibreELEC rất thích hợp để cài đặt cho các máy tính nhúng (Raspberry Pi, Odroid C2…) hoặc PC, Laptop.
Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn cài LibreELEC trên Laptop và chạy song song với Windows luôn. Công cụ chuẩn bị bao gồm:
– Một máy tính cấu hình cơ bản: Tối thiểu Ram 512MB, CPU Pentium, HDD 20GB (lưu ý 1 số laptop CPU Atom, Celeron có thể không chạy được)
– 1 USB 4GB để tạo bộ cài LibreELEC
– 1 USB 8GB nếu muốn cài LibreELEC chạy trên USB
Tạo bộ cài LibreELEC
Bước 1: Trước tiên tải phần mềm tạo USB boot LibreELEC: LibreELEC USB-SD Creator
Bước 2: Cắm USB 4GB vào máy tính và chạy phần mềm LibreELEC USB-SD Creator lên
- Chọn bộ cài là Generic AMD/Intel/NVIDIA (x86) và chọn bộ source LibreELEC mới nhất
- Nhấn Download để tại bộ source về máy tính.
- Chọn vào USB bạn muốn tạo bộ boot LibreELEC
- Nhấn Write khi đã sẵn sàng.
Cài đặt LibreELEC lên máy tính
Lưu ý: Quá trình cài đặt sẽ xóa toàn bộ ổ đĩa và phân chia lại cho nên bạn nên làm trên một máy tính mới hoàn toàn, hoặc copy dữ liệu ra trước cho yên tâm nhé.
Cắm USB vào máy tính cần cài đặt chọn boot từ USB
Giao diện cài đặt hiện ra chọn vào Install LibreELEC
Chọn vào ổ đĩa muốn cài LibreELEC lên đó, nếu muốn cài vào USB thì chọn vào tên USB đó (lưu ý không phải USB đang chứa bộ boot nhé)
Nhấn Yes để xác nhận. Chờ quá trình cài đặt hoàn tất và khởi động lại giao diện Kodi quen thuộc sẽ hiện ra.
Thiết lập LibreELEC lần đầu sử dụng:
Vì Kodi chạy trực tiếp sau khi khởi động nên quá trình kết nối mạng hay các thiết lập khác bạn phải làm bằng tay. Trong Setting của Kodi sẽ có thêm một mục là LibreELEC
Trong mục LibreELEC Setting sẽ có những thiết lập giúp bạn kết nối Wifi, bật tắt SSH, Samba, Bluetooth.
Truy cập vào thư mục của LibreELEC
Vì LibreELEC không có trình quản lý file, thư mục như trên Windows, Android cho nên tất cả thao tác copy, xóa, chỉnh sửa addon… đều phải thông qua một máy tính khác. Để truy cập được vào các thư mục đặc biệt của LibreELEC trước tiên bạn cần xác định chính xác địa chỉ IP của LibreELEC bằng cách vào Setting > System Information và đọc dãy IP có trong mục IP Address.
Sau khi đã có IP rồi bạn dùng 1 máy tính khác kết nối cùng mạng với máy tính cài LibreELEC và nhấn tổ hợp Windows + R để mở mục Run
Gõ vào IP của LibreELEC ví dụ của mình sẽ là: \\192.168.1.42
Nếu có cửa sổ mở ra yêu cầu nhập Username/pass thì bạn chỉ cần gõ Username là Administrator rồi nhấn OK là xong.
Trong cửa sổ duyệt file, thư mục của LibreELEC sẽ có rất nhiều thư mục nhưng bạn để ý rằng các thư mục quen thuộc thường thấy trên Kodi như addon, userdata.
Xem thêm: Cấu trúc thư mục của Kodi tại bài viết này.
Để hiển thị các thư mục mặc định của Kodi thì bạn tải file samba.conf sau đó copy vào thư mục Configfile và khởi động lại LibreELEC, sau khi khởi động xong thì LibreELEC sẽ xuất hiện thêm 1 thư mục tên là Storage và thư mục .Kodi quen thuộc cũng sẽ hiển thị trong này.
Cài song song LibreELEC và Windows
Sau khi cài LibreELEC xong thì nó sẽ format toàn bộ ổ cứng nhưng dung lượng thực tế sử dụng thì lại rất ít, phần trống nếu không sử dụng thì bạn có thể cắt ra và cài đặt hệ điều hành Windows lên đó để cần gì thỉ chuyển đổi qua lại cũng rất tiện.
Vì LibreELEC chạy trên nền Linux nên phân vùng ổ cứng sẽ khác khi với cài đặt Windows và bạn cũng không thể dùng các trình phân chia ổ đĩa như Acronics, Partition Wizard…để chia ổ đĩa ra được mà phải dùng đến công cụ tương thích tốt với Linux đó là Gparted.
Trước tiên tải về bộ file ISO mới nhất của Gparted tại đây: https://sourceforge.net/projects/gparted/files/gparted-live-stable/
Sau đó sử dụng Rufus để tạo USB boot vào Gparted.
Tiếp theo boot vào USB chứa phần mềm Gparted và lựa chọn Gparted Live
Giao diện quản lý ổ đĩa hiện ra, bạn nhấn chọn vào ổ cứng cần chia lại và chọn Resize/Move
Bạn kéo phần ổ cứng cần dùng cho việc cài Windows hoặc gõ dung lượng cụ thể (tính theo MB) trong mục New size
Nhấn Resize/Move và nhấn Apply là xong.
Sau khi tạo được phân vùng trống rồi bạn cứ tiến hành cài đặt hđh Windows như bình thường nhưng để chuyển đổi qua lại giữa LibreELEC và Windows thì khi khởi động bạn phải nhấn phím lựa chọn Menu boot tùy vào thiết bị bạn đang sử dụng để hiển thị menu lựa chọn hệ điều hành
Trong ví dụ của mình thì LibreELEC sẽ hiển thị với tên UEFI OS, còn Windows thì sẽ là Windows Boot Manager.
Chúc các bạn thành công.