Đánh giá Firewatch – người gác lửa rừng

Tuy thời lượng chơi không dài nhưng Firewatch mang đến một câu chuyện hấp dẫn gây tò mò, khiến bạn liên tục phỏng đoán nội dung và cảm thấy bất ngờ.

Tôi chú ý đến Firewatch trong một dịp rất tình cờ khi nhìn thấy một tấm screenshot với tông màu rất nóng của trò chơi khi tìm thông tin cho một bài viết. Và khi trải nghiệm thực tế, trò chơi có gần như mọi thứ mà tôi muốn, từ đồ họa đẹp với lối chơi đơn giản và không quên kèm theo một cốt truyện rất hấp dẫn.

Cốt truyện trong Firewatch không hề quá xa lạ ở các nước phương Tây, nhưng có thể bạn sẽ thấy nó khác biệt nhiều với những gì ở nước ta. Nhân vật chính trong trò chơi là Henry, một nhân viên kiểm lâm làm việc trong khu rừng quốc gia Shoshone thuộc nước Mỹ, với nhiệm vụ chính là đi bảo vệ an toàn cho khu rừng trước những ngọn lửa trại mà người dân vô ý không dập tắt hoàn toàn. Vì thế nên trò chơi mới có tên là Firewatch, hay có thể tạm dịch là người gác lửa. Thế nhưng, công việc của người chơi không đơn thuần là đi dập lửa mà thực tế là gì thì xin để dành cho bạn trải nghiệm.

Firewatch screenshot

Song hành cùng nhân vật chính là nữ quản lý Delilah. Cùng với Henry, hai nhân vật này chính là điều hấp dẫn nhất của trò chơi. Tôi khá thích cách mà cả hai trò chuyện, nó rất đời thường và không tạo cảm giác “kịch, có thể vì phần biên kịch đã được xây dựng khá tốt. Lắm lúc bạn có thể nghe Delilah văng tục nhưng không hề cảm thấy phản cảm mà sau đó lại có khi bật cười vì lời nhắc của Henry. Cách mà cả hai nhân vật này trò chuyện tung hứng với nhau suốt quá trình chơi có thể khiến bạn cảm thấy hấp dẫn và lôi cuốn, tuy nhiên ngược lại cũng có thể khiến những bạn nào có trình độ tiếng Anh không tốt cảm thấy hụt hơi. Do vậy nếu bạn muốn học thêm từ vựng tiếng Anh thì Firewatch có thể là một lựa chọn không tồi.

Thật sự mà nói, đồ họa của Firewatch không phải quá xuất sắc, nhưng nó cho thấy nhà phát triển khá chăm chút cho “đứa con” của mình. Trò chơi sử dụng những gam màu khá tươi sáng, nhưng chủ yếu gây ấn tượng nhờ những sắc đỏ và hồng được pha trộn khéo léo để tạo hiệu ứng hình ảnh đẹp tuyệt vời. Từ những cảnh hoàng hôn chớm đỏ cho đến hình ảnh ánh mặt trời ló dạng trên bầu trời xanh và khu rừng rộng lớn đều tạo được ấn tượng đẹp trong lòng người chơi. Mọi thứ trong môi trường của trò chơi đều được dựng hình khá chi tiết, từ những cọng cỏ cho tới những tán cây rộng lớn trong khu rừng, ít nhiều tạo được màu sắc rất riêng cho Firewatch, làm nổi bật nét đẹp công viên Shoshone trong mắt người chơi.

Thế nhưng, đồ họa của Firewatch cũng không phải không có điểm khuyết. Trò chơi sử dụng phong cách đồ họa khá trái ngược nhau. Trong khi hầu hết vạn vật trong khu rừng đều sử dụng phong cách siêu thực, thì các nhân vật lại mang nhiều cảm giác như hoạt hình. Nếu để ý kỹ bạn có thể nhận ra chuyển động của nhân vật chính có gì đó sai sai, chẳng hạn như ngón tay của Henry nhìn khá vuông vức và góc cạnh chứ không mềm mại đường nét như bình thường. Đây có lẽ là yếu tố khiến tôi có cảm giác khá lẫn lộn về đồ họa của trò chơi, một phần thì cảm thấy khá ấn tượng với cảnh vật trong trò chơi, nhưng một phần thì cảm thấy nhân vật mang cảm giác “giả” trong khi phần hội thoại thì lại rất thật. Một cảm giác khá khó chịu.

Firewatch screenshot

Ở khía cạnh gameplay, Firewatch thuộc thể loại walking sim nên không có nhiều việc phải làm, vì phần sáng nhất là cốt truyện đã làm rất tốt rồi. Vấn đề ở chỗ, trò chơi tạo cảm giác thế giới khá mở và rộng lớn, kỳ thực lại khá giới hạn. Tuy không đến mức tuyến tính từ điểm A đến điểm B chỉ có một lối đi duy nhất, nhưng bạn cũng không có nhiều lựa chọn đường đi mà chịu sự phụ thuộc vào diễn biến nội dung. Mặc dù đây không hoàn toàn là vấn đề của thể loại walking sim, nhưng cái cảm giác tưởng vậy rồi hóa ra không phải vậy khiến tôi cảm giác như bị lừa, dù rằng đây không phải là lỗi của nhà phát triển.

Mặt khác, trải nghiệm trong Firewatch thường tạo cảm giác khá cô độc và đây có lẽ là ý đồ của nhà phát triển khi xây dựng khu rừng cũng không nhiều thú như bạn tưởng. Thậm chí, ban đầu tôi còn cảnh giác thừa tới mức phản xạ tìm kiếm xung quanh khi nghe có tiếng động lạ phát ra từ sau lưng, cứ sợ có thú dữ bất ngờ xuất hiện cho đến khi hiểu ra hoàn cảnh của nhân vật. Lối chơi của trò chơi cũng không yêu cầu bạn phải tương tác nhiều mà chủ yếu tập trung vào theo dõi câu chuyện hơn. Ngoài việc di chuyển qua lại giữa các địa điểm để làm nhiệm vụ, thỉnh thoảng người chơi chỉ cần mở đường với những công cụ mới tìm được, như dùng rìu chặt những bụi gai mở lối đi tắt, hay bám vào mớ dây leo để leo trèo lên xuống những con dốc dựng đứng.

Thế nhưng, nét hấp dẫn và duyên dáng của trò chơi chính là nằm ở những câu chuyện mà Henry và Delilah chia sẻ qua máy bộ đàm, nhưng không phải mọi lúc mọi nơi. Thỉnh thoảng cũng diễn ra tình trạng ngoài vùng phủ sóng nhưng chính nó khiến người chơi cảm thấy thú vị với mối quan hệ của hai nhân vật này. Có những vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng bỗng chốc trở thành câu chuyện sinh tử, khiến bạn cảm thấy tò mò hơn và muốn tìm hiểu đến tận cùng sự thật. Rất ít tựa game có thể tạo được cảm giác trải nghiệm này như Firewatch đã làm.

Firewatch screenshot

Đáng tiếc là không có gì tựa game nào hoàn hảo và Firewatch cũng có nhiều vấn đề của nó. Đầu tiên, mặc dù bạn vẫn có quyền đưa ra những quyết định, nhưng hầu như chúng không có tác dụng làm thay đổi tuyến nội dung, ngay cả một quyết định sai lầm vẫn được nhân vật còn lại “sửa lỗi” nên khá tuyến tính. Đây cũng là một vấn đề của trò chơi với những ai yêu thích giá trị chơi lại ở một tựa game.

Một số vấn đề khác cũng đáng nhắc tới là một số tính năng trong trò chơi không có tác dụng gì nhất định, chẳng hạn Examine hay Camera. Examine cho phép bạn nhặt các vật phẩm trong trò chơi trên tay để xem xét, tuy nhiên nó giống như để phô diễn đồ họa hơn là có tác dụng nhất định nào trong gameplay. Hoặc như tính năng chụp hình cũng chẳng có ý nghĩa gì ngoài việc hiển thị lại những bức hình bạn chụp vào phần credit sau khi kết thúc trò chơi.

Những vấn đề này, kết hợp cùng với tạo hình của nhân vật hơi “lạc trôi”, tạo cảm giác như Firewatch vẫn còn chưa hoàn thiện, hoặc nhà phát triển không đủ kinh phí để phát triển trò chơi như mong muốn ban đầu nên quyết định chỉ dừng trải nghiệm ở đó. Chưa kể, trò chơi cũng gây nhiều khó khăn cho người chơi với hệ thống la bàn và bản đồ khó nắm bắt, dẫn tới thỉnh thoảng đi lạc là “chuyện thường ngày ở huyện”. Và cuối cùng là tốc độ khung hình của Firewatch không ổn định trong một số trường hợp, nhưng đây không phải là vấn đề quá to tát.

Firewatch screenshot

Sau cuối, với thời lượng khá ngắn chỉ khoảng hơn bốn tiếng trải nghiệm, Firewatch vẫn mang đến một câu chuyện khá thú vị với nhiều bí mật nho nhỏ cho những ai thích khám phá. Cái hay của Firewatch là vận dụng rất khéo léo nhiều yếu tố sợ hãi và bí ẩn để tạo nên trải nghiệm tò mò và hồi hợp, nhưng chỉ ở lần trải nghiệm đầu tiên. Đáng tiếc là trò chơi lại không có giá trị chơi lại cao như mong đợi, đặc biệt khi càng về cuối nội dung càng dễ đoán, nhưng chí ít thì vẫn đủ khiến bạn tò mò và theo đuổi nội dung đến phút cuối. Nếu bạn thích những tựa game có cốt truyện hấp dẫn thì đây vẫn là game đáng chơi.

Firewatch hiện có trên PC, Xbox One và PlayStation 4.

Firewatch
Firewatch
Firewatch
Firewatch
Firewatch
Firewatch

Xem thêm bài đánh giá các game khác.

Nguồn: Trainghiemso.vn

Загрузка...

Leave a Reply